Công sở đầu năm, rệu rã kéo dài ngày nghỉ

>> Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Dù đã được nghỉ Tết tới 9 ngày, song với nhiều cơ quan, chừng đó là chưa đủ. Trong những ngày làm việc đầu năm, thay vì lao vào làm việc, họ tiếp tục chúc tụng, du xuân... chờ hết ngày.
“Vắng như chùa bà Đanh”


Gần 10 ngày nghỉ Tết, ai cũng cứ nghĩ mọi người đã no say, chán Tết nên ngày đầu năm sẽ hừng hực bắt tay vào việc, nhưng khảo sát qua nhiều cơ quan mới thấy, tuần đầu đi làm vẫn chỉ như kỳ nghỉ Tết kéo dài.

Chị Lan Anh, nhân viên kinh doanh của một công ty trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngày khai xuân, công ty chị náo nhiệt khác thường. Ai ai cũng mặt mày hớn hở, rôm rả chuyện trò.

Sau màn chúc Tết, lì xì của sếp, mọi người xúm lại chúc tụng, nâng ly, phòng nọ chúc phòng kia rồi mời nhau bánh kẹo, hoa quả, người đứng, người ngồi... như thể đang tham dự một buổi tiệc lớn.

Sau Tết, tại nhiều cơ quan, nhiều vị trí vẫn trống trơn vì chưa có người làm việc (Ảnh: Minh Anh)

“Ngày đầu đi làm, mọi người đến cơ quan chỉ như để góp mặt lấy hên. Có chăng cũng chỉ ngồi vào bàn dọn dẹp lại giấy tờ, sổ sách chứ mấy ai đã bắt tay ngay vào việc”, chị Lan Anh vui vẻ nói.

Chị Hòa, Trưởng phòng tài chính của một cơ quan nhà nước trên phố Bà Triệu còn cho biết, ngày đầu năm, cơ quan chị có lệ sau màn gặp gỡ tại cơ quan, toàn bộ nhân viên sẽ được mời về nhà sếp để tụ tập, liên hoan. Xong xuôi thì cũng đã quá nửa buổi chiều.

“Khi ấy chị em kéo nhau đi lễ chùa, anh em còn lại tiếp tục chúc tụng, chuyện trò đến hết buổi. Cơ quan mở cửa từ sớm, nhưng ngày đầu đi làm chẳng có lấy một ai. Tình trạng ì ạch, rệu rã này có ít cũng phải kéo dài đến hết tuần, còn không thì phải hết tháng”, chị Hòa lo lắng.

Dù đang làm tại một công ty truyền thông trên phố Trần Duy Hưng, song chị Hương cho biết, công ty chị cũng không thoát khỏi cảnh ảm đạm sau Tết.

“Có mail thông báo từ trước Tết yêu cầu trong ngày làm việc đầu năm, tất cả mọi người phải đến đông đủ từ 8h để nghe sếp chúc Tết, nhận lì xì. Mình là nhân viên mới nên vội vã phóng xe cho kịp, nhưng do tắc đường nên mãi hơn 8h30 mới đến.

Ấy vậy mà hơn 9h sếp mới bắt đầu chúc Tết, mở sâm-banh. Khi phát lì xì xong thì cũng đã quá 10h, lúc ấy chẳng ai còn tâm trí để làm việc, số ít quay về nhà, còn lại tản hết đi ăn uống, hát hò”, chị Hương thật thà.

Với tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, không ít người vẫn muốn níu kéo Tết và tận dụng khoảng thời gian đi làm để... nhảy múa.
Thời gian này, nhiều cơ quan đang lên kế hoạch đi du lịch, du xuân, coi đó như món quà để nhân viên sốc lại tinh thần... chờ giữa tháng trở ra để bắt đầu lại công việc.

Thói quen... tiểu nông

Trong khi nhiều cơ quan nhà nước còn đang bù khú với những cuộc liên hoan, hát hò thì các công ty tư nhân hay liên doanh đã bắt đầu làm việc từ ngày mùng 5 Tết.

“Công ty mình đúng 7 rưỡi vào làm. Sáng mùng 5, mọi người đến sớm hơn thường lệ một chút để nghe sếp chúc Tết, rồi sau đó ai vào việc nấy, không có chuyện xúm lại chúc tụng, liên hoan. Ai đi muộn vẫn bị phạt, trừ lương như thường”, chị Nhung, công nhân nhà máy Canon tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) giãi bày.

Trên nhiều diễn đàn, không ít các ý kiến nhận định, cảnh uể oải nơi công sở sau Tết thường chỉ gặp ở phần lớn các cơ quan nhà nước và đây là thói quen... tiểu nông cố hữu của người Việt.

Trong khi nhiều cơ quan vắng vẻ thì hàng quán lại đông đúc lạ thường (Ảnh: N.Anh)

“Nghỉ dài thì lại bảo nhiều quá nên khi đi làm thấy ngại, nghỉ ngắn thì lại kêu ca chưa kịp nghỉ ngơi... Lý do nào có vẻ cũng hợp lý, nhưng năm nào cũng ì ạch cả tháng trời thế này thì lãng phí quá!”, thành viên trungit24 chia sẻ trên một diễn đàn công nghệ.

Thành viên Mom2b của diễn đàn Webtretho thì phân tích: “Tết kiểu gì cũng phải qua… Cứ cố chè chén, chùa chiền, chúc tụng kéo dài mãi thì vừa lãng phí thời gian, vừa làm cho con người kém năng động và thiếu chuyên nghiệp”.

Thành viên này cũng cho rằng tâm lý uể oải sau Tết đơn giản là do ảnh hưởng bởi thói quen thích được nghỉ dài, chơi nhiều. “Nhưng đã là thói quen thì có thể thay đổi được. Nên thay đổi để Việt Nam có môi trường kinh doanh năng động, chuyên nghiệp hơn”.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến khác còn cho rằng nên chăng Tết cổ truyền của ta nên rút ngắn lại, hoặc có thể hội nhập với Tết Tây như phần lớn các nước trên thế giới.

Giáo sư Võ Xuân Tòng cũng từng phân tích, khi thời gian nghỉ Tết dài, không trùng khớp với thời gian nghỉ của các nước khác sẽ khiến nhiều doanh nghiệp mất đi thời cơ kinh doanh. Học sinh, sinh viên bị gượng ép thời khóa biểu học và thi, giáo viên mất thời gian khôi phục kiến thức rơi vãi sau mấy ngày nghỉ Tết. Người dân nhậu nhẹt, bài bạc gây tốn kém, lãng phí…

Theo ý kiến của các chuyên gia xã hội học, giữa thời buổi hội nhập kinh tế, mỗi cá nhân nên biết nắm bắt cơ hội, tự thay đổi và biết đề ra những mục tiêu mới để phấn đấu, tránh tâm lý a dua theo số đông. Có như vậy, mỗi người mới không thấy hụt hẫng, chán nản như vừa tan mất cuộc vui sau kỳ nghỉ dài.

Minh Anh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

  © Tin tức trong ngày Game hay by Vuongquocgame.com 2009

Back to TOP